Tháng vừa rồi bận quá sá cỡ, thè lưỡi ra thở cũng không hết mệt.
Còn một ngày trước khi Yahoo 360 đóng cửa, tớ hỏang hốt sign in vào cái blog của mình, ngắm nghía nó lần cuối trước khi nó biến mất vĩnh viễn!
May mắn là đôi ba người bạn tốt từ friend list vẫn còn bắt liên lạc được - cũng là phần thưởng và kỷ niệm từ Yahoo 360.
Có một cái blog này mà tớ rất thích, của một bạn lấy nick là Time Collector. Khi tớ tình cờ vào blog của bạn thì bạn không còn viết blog nữa. Tớ đã kịp lưu lại hai bài viết theo tớ là rất hay và cảm động, định bụng sẽ message xin phép bạn cho tớ đăng lại những bài viết này trên blog của mình một ngày nào đó, nhưng rồi nhiều lý do ngăn cản việc đó xảy ra: phân vân không biết bạn có vào thăm blog của mình nữa không, không biết phải mở lời như thế nào, quá bận bịu vào thời điểm đó....
Một lần vào blog bạn, tớ thấy một vài quick comments chia sẻ một bad news liên quan đến sức khỏe của bạn, có vẻ rất trầm trọng. Tớ cũng muốn bon chen vào chia sẻ và động viên nhưng rồi lại thôi. Tớ còn thậm chí suy nghĩ rằng có khi nào bạn mãi mãi biến mất khỏi cuộc đời này không?
Sau đây là một trong hai bài viết đã nói ở trên. Nếu bạn tình cờ thấy bài viết này ở đây thì cho tớ xin lỗi vì đã đăng bài của bạn trước khi có sự đồng ý. Chúc bạn sức khỏe và hạnh phúc.
--------------------------
Hôm đó tôi đang ở nhà dọn dẹp mọi thứ để sắp xếp chuẩn bị về Việt nam. Có một chút nôn nao vì dù sao đi nữa, đây sẽ là lần đầu tiên tôi được hưởng không khí Tét Nguyên đán thật sự sau 15 năm xa nhà. Tôi có thói quen bật TV khi đang làm việc nên hôm ấy vẫn không ngoại lệ, chương trình Friends cũ chiếu lại khi tôi đặt vài nét cuối lên cây đàn guitar SG mà tôi đang cố vẽ cho giống họa tiết của cây đàn “The fool” của Eric Clapton thì có tiếng đập cửa dữ dội....
Phản ứng đầu tiên của tôi là bật dậy, chụp vội cây nhị khúc côn trước khi mở cửa bởi tiếng đập cửa nghe dồn dập điên loạn như của một bệnh nhân tâm thần đang lên cơn, các ý nghĩ chạy loạn trong tâm trí tôi, “phải chăng tiếng TV quá ồn ào đã làm hàng xóm của tôi nổi điên ( hắn đang hoan lạc bị phân tâm ??), nên hắn lên đây trả thù tôi sao ?? vừa mở cửa thì tôi nghe một giọng nói vọng lên từ tầng dưới “CHÁY...CHÁY...NHÀ HÀNG XÓM ĐANG CHÁY KÌA”. Nhìn qua nhà kế bên thì tôi hoảng hồn, cây nhị khúc súyt rơi khỏi tay vì từ cửa sổ căn nhà ấy, một ngọt lửa đang bùng phát dữ dội như muốn phá tung cả ô cửa mà thóat ra ngoài. Một ý nghĩ ghê sợ chợt nảy đến với tôi khiến toàn thân tôi lạnh tóat, nhà kế bên là nơi ở của một người đàn bà chậm chạp già nua mà tôi ít khi gặp, có một đêm đi ngang qua nhà vô tình nhìn vào cửa sổ tôi còn tưởng bà đã chết trong đó tự lúc nào bởi mỗi ngày bà đều nằm ngủ ở ghế sofa, không hề bước chân vào phòng ngủ và nằm yên trong một tư thế không thoải mái khi trên khung kính cửa sổ nhà bà bò chi chít những con dán to nhỏ đủ cỡ. Ngọn lửa kia chắc đã thiêu chết bà rồi hoặc ghê rợn hơn, có lẽ bà đang quằn quại trong sức nóng của nó mà không thể thóat ra.
Không nghĩ ngợi nữa, tôi lao vào phòng tắm hứng đầy một thùng nước và chạy ra tạt vào ô cử sổ lửa cháy ngùn ngụt...chẳng hiệu quả gì, tôi lại chạy về nhà xách thêm thùng nước khác ra và tiếp tục tạt vào đống lửa. Điều duy nhất mấy thùng nước của tôi làm được là khiến cho những mảnh kính vốn đang bị nung nóng nổ tung, vỡ vụn, văng tung tóe ra xung quanh. Ở dưới đường, những người hiếu kỳ cũng như dân cư trong khu nhà tôi ở túa ra sân nhìn lên căn nhà đang bốc cháy, một người đang nói vào điện thoại di động, có lẽ đang gọi cấp cứu. Đúng lúc đó, một số cảnh sát viên chạy lên hành lang, một người trong số họ ra lệnh cho tôi phải rời nhà tức khắc và xuống đường đứng càng xa càng tốt đề phòng trường hợp hệ thống gas phát nổ. Phía dưới đường, ba xe cảnh sát cũng vừa trờ tới khóa kín hai đầu đường xe qua lại. Tôi chỉ kịp vào nhà ôm con chó Bambi và chạy xuống đường trong tiếng hối thúc của những người cảnh sát. Họ đập cửa vào nhà kế bên tôi để gọi tất cả xúông đường khi đám cháy ngày càng lớn và lan dần ra xung quanh.
Xuống đường trò chuyện với những người hàng xóm dưới nhà, tôi được biết rằng đám cháy được phát hiện bởi một người lái xe ngang qua khu nhà tôi, anh ta lập tức thắng xe giữa đường và gọi cấp cứu ngay dù khi anh ta phát hiện thì ngọn lửa đã bắt đầu phá tung cửa sổ, có nghĩa là chừng 10 phút trước khi tay hàng xóm ở ngay dưới nhà chạy lên đập rầm rầm vào cửa nhà tôi. Chúng tôi đều thấy nôn nóng vì tới giờ phút ấy xe cứu hỏa vẫn chưa đến nơi khi trên hiện trường đã là 4 xe cảnh sát và 2 xe cứu thương...chẳng làm được trò trống gì trong lúc này. Điện thoại 911 là thế, khi ai gọi thì họ lập tức gởi cả bộ ba: Cảnh sát, bác sĩ và lính cứu hỏa... Nhìn ngọn lửa đang bốc ngày càng cao, liếm dần lên mái nhà, tôi nhận thấy sự vô nghĩa của chiếc xe cứu thương kia, nếu bà hàng xóm có ở nhà thì chỉ còn có thể chở xác thôi. Đám cháy ngày một lớn và toàn bộ mái nhà khu tôi ở bốc khói chứng tỏ lửa đã lan vào tầng áp mái và đang cháy ở phía trong căn nhà. Dù đang đứng khá xa chúng tôi vẫn bị ho vì mùi khói.
Xe cứu hỏa cuối cùng cũng đến nơi trong tiếng rủa của chúng tôi, họ làm việc vô cùng chậm chạp, từ từ tháo ống nước và kéo lên cầu thang, thay vì đi bên tả cho gần thì họ lại đi phía bên hữu tức là ngang qua căn hộ của tôi trước khi đến nhà bà hàng xóm. Có lẽ họ cũng thấy rõ là căn hộ đó đã hết đường cứu chữa, có chăng chỉ nên cứu căn hộ của tôi và của tay hàng xóm kế bên. Những người lính cứu hỏa mang ống vòi rồng chậm chạp lên cầu thang, tôi nghĩ họ cố tình “chậm mà chắc” vì nếu bản thân họ xảy ra tai nạn gì thì chẳng ai giúp được nữa. Tôi không đủ kiên nhẫn đứng nhìn họ làm việc, chỉ lấy số điện thoại của họ rồi leo lên xe ( may mà tôi còn nắm chìa khóa xe trong túi ) chạy sang nhà bạn, trên người tôi chỉ độc một chiếc quần cộc và cái áo khóac mỏng bỏ quên trên xe. Tôi sang tạm trú ở nhà Jonathan Winship, bạn cùng chỗ làm với tôi.
Sáng hôm sau tôi mới biết thật sự bà hàng xóm của tôi đã có ở nhà lúc xảy ra hỏa hoạn và bà đã chết thiêu trong đó. Tôi chưa hề biết bà là ai, chỉ sau khi bà chết mới đọc được thông tin trên báo như sau: “Giáo sư nói được ba thứ tiếng, người thóat trận thảm sát ở trường đại học Texas hàng chục năm trước, đã qua đời trong cơn hỏa hoạn”
Tóm lược, bà tên là Judith Eileen Fogg Kirtley, năm nay chỉ mới 62 tuổi chứ không quá già nua như tôi lầm tưởng. Vào năm 1966, khi tay sát thủ nổi tiếng bắn chết 14 người và làm bị thương 31 người khác ở đại học Austin thì bà là một trong những người lăn xuống gầm xe né được lằn đạn của hắn. Bà lớn lên ở Thái lan và Indonesia nên nói được ba ngôn ngữ, từng học ở Bangkok và được bầu là hoa khôi của trường. Sau hơn hai mươi năm làm việc ở đại học Texas, bà về làm việc văn phòng cho trường đại học tiểu bang phụ trách về các học sinh từng là cựu chiến binh.
Tôi chỉ gặp bà một lần, bước đi chậm chạp lên cầu thang. Tôi không biết cuộc đời của bà đã trải qua như thế nào nhưng dường như dấu ấn thời gian đã đè khá nặng lên con người ấy. Ấn tượng của tôi lúc ấy về bà là một sự tan rã từ từ, gương mặt già nua, dáng đi chậm chạp cùng chiếc áo khóac màu tím mục nát bụi bặm như chỉ được lấy ra lần đầu tiên sau hàng chục năm nằm trong tủ áo. Lặng lẽ, cô đơn, dường như bà đang chờ đợi cái chết đến. Và trong cơn hỏa hoạn, cái chết đã đến với Judith Kirtley một cách bi thương như vậy. Cầu cho linh hồn của bà được yên nghỉ.